Khó khăn trong thu gom, xử lý rác nông thôn ở Hải Dương
Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đều có tổ thu gom rác, tuy nhiên tỷ lệ thu gom thấp và việc xử lý rác thu gom cũng chủ yếu bằng cách chôn lấp tại các bãi lộ thiên vốn đang hạn chế cả về số lượng và chất lượng, mang nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước. Việc nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nông thôn là đòi hỏi cấp bách của Hải Dương hiện nay.
* Quá tải ở các bãi rác tự phát
Đã vài năm nay, trên con đường WB2 đoạn nối xã Tân Hưng (thành phố Hải Dương) và xã Gia Xuyên (huyện Gia Lộc) mặc nhiên tồn tại khoảng 3 bãi đổ rác tự phát ven đường. Theo phản ánh của người dân, trước kia, khi xã Tân Hưng chưa về thành phố, người dân trong xã vẫn có thói quen vứt rác tại những chỗ này. Hai năm trở lại đây, nơi đây được đầu tư 2 khu trung chuyển rác nhưng các bãi rác vẫn còn, thậm chí ngày càng nhiều thêm, mùi hôi bốc lên ngày càng nặng, đặc biệt là những ngày trời mưa.
Chị Trần Thị Chăm (xã Gia Xuyên) vừa đi bón phân cho cánh đồng lúa gần đó bức xúc: “Hai năm nay, tình trạng ngày càng nặng. Đây là đường giao thông qua lại đông, chúng tôi bức xúc lắm, chúng tôi chỉ muốn giải tỏa sớm những điểm đổ rác này”. Không riêng chị Chăm mà nhiều người qua đường cũng cho biết nhiều bất cập phát sinh các bãi rác tự phát “án ngữ” nơi đây. Nhiều hôm đường bị ùn ứ, giao thông ách tắc cũng một phần do rác. Chưa kể, đã từng có tai nạn xảy ra.
Ông Hồ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên (huyện Gia Lộc)cho biết: Đoạn đường có những bãi rác tự phát này thuộc địa phận của xã, nhưng đây là con đường liên xã, người dân, công nhân các công ty đi qua nhiều, việc xả rác không thể nói là chỉ do người dân trong xã. Buổi sáng, khi từng đoàn công nhân nườm nượp đi làm qua đây, nhiều người mang theo túi rác treo trên xe máy, qua đoạn đường này tiện tay ném xuống rồi đi tiếp. Người dân còn phát hiện có những xe ô tô chở rác thải là cao su, nhựa, thậm chí dầu thải… đổ trộm trong đêm. Việc xử lý điểm nóng này đã được xã Tân Hưng và xã Gia Xuyên thống nhất, nhưng theo ông Tân chỉ tính riêng kinh phí để duy trì các tổ thu gom rác tại các thôn trong xã hiện nay, đã rất khó khăn, chưa nói đến việc vận chuyển và xử lý các điểm đổ rác tự phát này rất tốn kém.
Lãnh đạo xã này cũng chia sẻ nỗi lo lớn hơn của xã về môi trường hiện nay, là việc xử lý rác thải nói chung, không riêng điểm nóng nói trên. Gia Xuyên có 3 thôn với 9 cơ sở sản xuất. Ước tính mỗi ngày, toàn xã thải ra 2,7 tấn rác. Trước kia, cơ sở nào cũng có đội thu gom rác, mỗi cơ sở có 2 người. Tuy nhiên, hiện nay những hố chôn rác với quy mô khoảng 360m2 cũng đã đầy. Mặt khác, phí môi trường thấp, nhiều tổ đã không còn duy trì việc thu gom. Hiện chỉ còn 2/9 cơ sở có tổ thu gom còn hoạt động. “Rác thải ngày càng nhiều mà người thu gom khó duy trì, bãi chứa rác thì có hạn”, ông Tân nói.
* Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý
Chi Cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương) ước tính, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn Hải Dương trung bình khoảng trên 690 tấn/ngày và vẫn tiếp tục tăng lên.
Hoạt động thu gom và xử lý rác thải vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Phần lớn các địa phương, người dân tự thành lập tổ thu gom với kinh phí hoạt động do nhân dân đóng góp. Toàn tỉnh hiện có trên 960 tổ thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn. Hầu hết các xã đều có các tổ đội thu gom. Tần suất thu gom 1 - 3 lần/tuần. Tuy nhiên, hiệu quả thu gom thấp do rác chỉ được thu gom ở những khu vực đầu làng hoặc các bãi rác tạm thời, do vậy rác vẫn còn trên đường làng, ven kênh mương, gần chợ. Hiệu quả thu gom đặc biệt thấp ở các xã có địa bàn quản lý rộng như các huyện Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà, thị xã Chí Linh.
Vấn đề đáng bàn là việc xử lý rác đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Hiện tỷ lệ rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý chỉ chiếm 50 - 70%. Hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp tại các bãi chôn lấp lộ thiên, một số nơi thỉnh thoảng đốt rác để tăng sức chứa cho bãi. Trong số khoảng 850 bãi chôn lấp có quy hoạch chỉ 26% số đó đảm bảo vệ sinh.
Ngày 7/6/2011, UBND tỉnh ra Quyết định 1646/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn”. Theo đó, đã duyệt cho phép 104 xã xây dựng 124 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Tuy vậy, do gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng nên việc triển khai chưa hiệu quả. Huyện Kim Thành được đầu tư 7 bãi chôn lấp nhưng hiện chỉ mới 1 bãi đi vào hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác nông thôn, Chi Cục Bảo vệ Môi trường cho biết, việc xây nhà máy xử lý rác theo cụm đang là một nội dung trong Đề án “Thu gom xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn” được xây dựng để trình UBND tỉnh. Cụ thể, 12 huyện, thành phố, thị xã sẽ chia thành 4 cụm, mỗi cụm 3 địa bàn. Trong thời gian chờ đợi, các địa phương vẫn cần tiếp tục thực hiện Đề án “Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn”.
Nhiều địa phương cho rằng, hình thức xử lý bằng chôn lấp như hiện nay, chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, người dân mong muốn cần có các nhà máy xử lý rác thải tập trung. Ông Hồ Văn Tân đề xuất: Để xử lý dứt điểm các bãi rác tự phát hiện nay, xã mong muốn được hỗ trợ kinh phí vận chuyển, kinh phí đốt. Đồng thời, cấp kinh phí cho xã để xử lý mặt bằng, xây bãi chôn lấp rác bởi xây một bãi chứa rác tập trung, xã không chỉ thiếu kinh phí mà còn khó về tìm mặt bằng. Còn để giải quyết vấn đề rác tận gốc thì tỉnh cần có nhà máy xử lý rác theo cụm.
Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị nâng mức thu phí vệ sinh môi trường. Xã Kim Anh (huyện Kim Thành) hiện có 1 tổ vệ sinh môi trường với 7 nhân lực. Được thành lập từ năm 2005, qua gần 10 năm hoạt động, tổ thu gom đã góp phần đưa Kim Anh sớm đạt tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để duy trì tính hiệu quả của mô hình thu gom rác này, Chủ tịch UBND xã Kim Anh, Trần Văn Hiển kiến nghị: Mức thu phí vệ sinh môi trường đang áp dụng theo Quyết định của tỉnh từ năm 2012, với mức 1.500 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức này quá thấp khó đảm bảo đời sống cho những thành viên tổ thu gom. Đề nghị tỉnh sớm xem xét nâng mức thu này”. Đây cũng là mong muốn của xã Gia Xuyên. Ông Hồ Văn Tân cho hay: Mặc dù đã thu cao hơn so với quy định với mức thu 3.500 đồng/khẩu/tháng nhưng vẫn không khuyến khích người thu gom và khó duy trì các tổ hoạt động. Do đó, song song với việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý với các đơn vị xả rác không đúng nơi quy định.
Mạnh Minh