Tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của Thành phố Nam Định và các xã lân cận mới đạt 88%. Tính riêng khu vực nông thôn có 194/204 xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội thu gom rác thải tập trung. Như vậy, vẫn còn 10 xã chưa tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt gồm: Nam Hải (Nam Trực); Xuân Phú, Xuân Thủy, Xuân Thành, Xuân Tân (Xuân Trường); Nghĩa Phú, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).
Trong các xã có tổ chức thu gom rác, vẫn có một số xã mới tổ chức thu gom rác thải được 1-2 thôn, xóm; do đó tỷ lệ rác thải trên địa bàn được thu gom tương đối thấp. Chẳng hạn như: Tân Thành (Vụ Bản) có 1/19 thôn, xóm; xã Trực Tuấn (Trực Ninh) có 1/15 thôn, xóm; xã Trực Thuận (Trực Ninh) có 2/12 thôn, xóm. Ngoài ra, còn không ít địa phương đã tổ chức thu gom rác thải nhưng hiệu quả chưa cao, hiện tượng xả rác thải bừa bãi ra ven đường giao thông, kênh mương, ven đê vẫn còn phổ biến. Ngay tại Thành phố Nam Định, khu vực đường Bái, đoạn ven hồ Tức Mặc không có hộ dân sinh sống thường xuyên bị người dân đổ trộm rác thải dẫn đến tình trạng rác thải tràn xuống cả lòng đường. Trong khi đó, tuyến đường này khá hẹp, lưu lượng phương tiện, người dân lưu thông qua lại rất lớn, gây mất ATGT, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường đô thị. Cá biệt, tại xã Nam Thanh, trước kia thường xuyên xảy ra tình trạng người dân tự ý đổ rác, phế thải, vật liệu xây dựng tại vị trí kè (Km182+422) thuộc đê Hữu Hồng (mom cống Cổ Lễ), không chỉ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến công trình phòng chống lụt bão và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2016, vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương phải ra quân áp dụng các biện pháp xử lý khắc phục. Trong đó, lực lượng công an xã phải phối hợp với Hạt Quản lý đê Nam Trực tăng cường tuần tra, kiểm soát, khi bắt gặp vi phạm đổ trộm rác thải, vật liệu xây dựng kiên quyết xử lý để răn đe, ngăn chặn. UBND xã phải trích ngân sách địa phương để khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho vị trí mái kè và hành lang công trình thủy lợi; xây dựng hệ thống tường bao kiên cố, ngăn chặn tái diễn tình trạng người dân cố ý đổ vật liệu xây dựng tại vị trí trên. Điều đáng lo ngại là hiện toàn tỉnh mới có khoảng trên 30 lò đốt rác; lượng rác thải phần lớn vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp chưa vận hành nghiêm túc theo các quy trình kỹ thuật, đang gây ô nhiễm môi trường; trên địa bàn tỉnh chưa có bãi/ô chôn lấp chất thải rắn công nghiệp. Tại xã Liêm Hải (Trực Ninh), lò đốt rác mới đưa vào vận hành từ tháng 7-2016 nhưng theo phản ánh của các hộ dân sống ở khu vực lân cận, khi vận hành khói của lò đốt rác luôn mù mịt, khét lẹt, nếu gặp ngày thời tiết quẩn gió khói bị nén xuống luẩn quẩn như sương mù mịt khắp khu vực dân cư, cánh đồng các đội 3, 4, 5, 6 thuộc các xã Liêm Hải, Phương Định…
Thu gom rác thải sinh hoạt tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, biểu dương người tốt, việc tốt trong phong trào tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường trục xã, thị trấn, trụ sở làm việc; trong đó chú trọng tuyên truyền để toàn thể nhân dân và các cấp chính quyền nắm rõ và nghiêm túc thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18-11-2016, có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, mức xử phạt đối với các hành vi sai phạm như sau: Vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại: từ 3 đến 5 triệu đồng; Vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định: từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng; Vứt rác thải ra vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước: từ 5 đến 7 triệu đồng. Nhiều địa phương còn chỉ đạo các xóm, tổ dân phố phát động toàn dân làm vệ sinh đường lãng, ngõ xóm, phát quang cây cối, khơi thông hệ thống cống rãnh, dọn cỏ hai bên đường liên xóm, dong xóm, vệ sinh môi trường tại hộ gia đình tạo cảnh quan sạch đẹp. Sở TN và MT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải trên địa bàn bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với các xã, thị trấn được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp xử lý rác thải tập trung, cần thực hiện vận hành bãi chôn lấp theo Hướng dẫn số 2276/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT về việc thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo quy mô cấp xã. Đối với các xã chưa được hỗ trợ xây dựng công trình xử lý rác thải tập trung (bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh hoặc lò đốt rác thải) cần thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại bãi rác tạm theo Hướng dẫn số 2275/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT và hướng dẫn các hộ dân tự xử lý rác thải tại gia đình. Đối với các xã xây dựng và lắp đặt lò đốt rác thải cần vận hành lò đốt đảm bảo xử lý triệt để rác thải. Cụ thể, phải phun chế phẩm sinh học, thuốc diệt côn trùng tại khu tập kết rác, phân loại rác một cách hợp lý, hiệu quả (thủy tinh, nilon…). Vận hành lò đốt rác đúng quy định (phân loại rác trước khi đưa vào lò, không đốt rác khi độ ẩm của rác quá cao; không cho rác quá nhiều vào cửa lò; phải duy trì nhiệt độ cao (từ 600-1.0000C) trong buồng đốt thứ cấp một cách thường xuyên bằng cách kiểm soát và cung cấp ôxy trong quá trình cháy). Trồng cây xanh xung quanh khu xử lý có chiều rộng khoảng 3-5m nhằm giảm thiểu tối đa rác bay, mùi phát sinh từ khu xử lý rác ra môi trường và khu dân cư. Lò đốt rác thải phải bảo đảm về quy cách và chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt rác thải sinh hoạt QCVN 61-MT:2015/BTNMT của Bộ TN và MT. Việc thực hiện các nội dung nói trên cần chỉ đạo thường xuyên sâu sát, đảm bảo tiếp tục nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường thu hút theo mô hình xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân có tâm huyết, tiềm lực kinh tế đầu tư thành lập các tổ, đội, xí nghiệp thu gom xử lý rác thải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường. Đồng thời kiên quyết xử phạt hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định, tăng cường tính răn đe, giáo dục, phát huy tốt hơn tính tự giác chấp hành giữ gìn vệ sinh môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy